Thời gian gần đây Blog mình liên tục có những bài liên quan đến công nghệ, thủ thuật internet…mặc dù công việc ko liên quan gì cả :)).Cũng chả biết tại sao, đam mê công nghệ thông tin thì vẫn hiện hữu nhưng mà tùy hứng lắm, nhiều lúc lười chả muốn làm gì nhưng có khi ngồi cả buổi mày mò mà chưa hết háo hức. Hôm nay xin bàn về 1 số khái niệm và 5 năm trước nó là cái gì đó mơ hồ nhưng giờ đã rất hiện hữu rồi
Vạn Vật Kết Nối
Vạn vật kết nối (tiếng anh: Internet of thing,viết tắt: IoT) là 1 thuật ngữ hiểu nôm na là một hệ thống các thiết bị máy tính, máy móc, vật thể, động vật hoặc người có liên quan đến nhau, được cung cấp định danh duy nhất và có khả năng để truyền dữ liệu qua mạng mà không cần sự tương tác giữa con người với con người hay giữa con người với máy tính. Việc kết nối thì có thể thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại… Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, và nhiều thiết bị khác. Cụm từ IoT được đưa ra bởi Kevin Ashton vào năm 1999. Ông là một nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở đại học MIT, nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID (một phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio) cũng như một số loại cảm biến khác.
Thing trong Internet of Things ở đây có thể là người có bộ cấy ghép để giám sát hoạt động của tim, một động vật với chip sinh học (có khả năng tự động nhận và truyền tín hiệu radio), một chiếc ô tô có bộ cảm biến lắp sẵn để cảnh báo cho người lái khi áp suất lốp thấp hoặc bất cứ vật thể nào khác trong tự nhiên hay do con người làm ra mà được gán một địa chỉ IP/ID và có khả năng truyền dữ liệu qua mạng.Từ đó có thể “định danh” chúng trong thế giới Internet, KẾT NỐI tất cả lại với nhau trong hệ sinh thái Internet, khiến chúng THÔNG MINH HƠN và phục vụ con người tốt hơn.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các ông lớn về công nghệ như Google, Miccrosoft, Facebook…đều đã khẳng định Internet Of thing chính là TƯƠNG LAI CỦA NHÂN LOẠI.Thật ra, Đức Mu đã khẳng định điều đó vào hơn 15-20 năm trước =))). Nhớ hồi xưa, và kể cả bây giờ, hay bị quên trước quên sau. Mấy cái đồ đạc nhỏ nhỏ kiểu bút, chìa khóa, thẻ bảo hiểm…tóm lại mọi thứ mãi thì ko sao, đến lúc cần dùng thì tìm mãi ko thấy đâu. Thế là mình phát biểu: Giá như bây giờ cái đồ nào cũng gắn chip, điều khiển từ xa, gọi 1 cái nó phát ra tín hiệu thì đỡ mất công tìm, và năm 2018 một phần của điều đó đã thành hiện thực.
Theo thống kê hiện tại mới có khoảng 11-13 tỷ thiết bị được kết nối, và con người đang trong quá trình tiếp theo để kết nối những gì chưa được kết nối. Theo ước tính của các chuyên gia công nghệ thông tin, cuộc cách mạng internet vạn vật kết nối sẽ chứng kiến gần 50 tỷ thiết bị được kết nối internet vào năm 2020, tương đương với việc mỗi người trên thế giới sẽ có 6 thiết bị kết nối. Một mạng lưới IoT có thể chứa đến 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Một con người sống trong thành thị có thể bị bao bọc xung quanh bởi 1000 đến 5000 đối tượng có khả năng theo dõi.
Cuối cùng, một số ứng dụng thực tế của IoT giúp chúng ta dễ hình dung là:
- Thành phố thông minh (smart city-Ví dụ Singapore);
- Giao thông thông minh (các hệ thống quản lý cơ bản như hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, hệ thống quản lý container, bảng hiệu thông báo, nhận dạng biển số tự động…),
- Trung tâm điều khiển thiết bị gia đình (smart home-BKAV của VN có làm, CEO của Facebook cũng tự tạo cho bản thân),
- VNPT đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nhằm giúp bà con nông dân cảnh báo dấu hiệu dịch bệnh, thông báo các thời điểm cần bón phân và tưới nước..
(Danh sách các trợ lý ảo hiện nay-so sánh các trợ lý ảo là gì-vạn vật kết nối là gì,internet of thing là gì,trí tuệ nhân tạo là gì,AI là gì)
Trí Tuệ Nhân Tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence), là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,… như trí tuệ con người. Xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
Ý tưởng xây dựng một chương trình AI xuất hiện lần đầu vào tháng 10/1950, khi nhà bác học người Anh Alan Turing xem xét vấn đề “liệu máy tính có khả năng suy nghĩ hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, ông đã đưa ra khái niệm “phép thử bắt chước” mà sau này người ta gọi là “phép thử Turing”. Phép thử được thực hiện dưới dạng một trò chơi. Theo đó, có ba đối tượng tham gia trò chơi (gồm hai người và một máy tính). Một người (người thẩm vấn) ngồi trong một phòng kín tách biệt với hai đối tượng còn lại. Người này đặt các câu hỏi và nhận các câu trả lời từ người kia (người trả lời thẩm vấn) và từ máy tính. Cuối cùng, nếu người thẩm vấn không phân biệt được câu trả lời nào là của người, câu trả lời nào là của máy tính thì lúc đó có thể nói máy tính đã có khả năng “suy nghĩ” giống như người.
Hiện tại, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong đời sống theo hai hướng: Dùng máy tính để bắt chước quá trình xử lý của con người và thiết kế những máy tính thông minh độc lập với cách suy nghĩ của con người.
Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống thực tiễn có thể kể đến như: Nhận dạng chữ viết; Nhận dạng tiếng nói; Dịch tự động; Tìm kiếm thông tin; Khai phá dữ liệu và phát triển tri thức; Lái xe tự động; Robot,vận hành máy móc, chẩn đoán bệnh, điều khiển một ngôi nhà thông minh, trả lời khách hàng, lập kế hoạch và đặt lịch, nhận dạng khuôn mặt…Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo với sự quan tâm và phát triển của các ông lớn trong ngành công nghệ, dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực như: Y tế, Xây dựng, Ngân hàng, Công nghệ siêu vi, …
Rất nhiều chuyên gia lo lắng rằng khi trí tuệ nhân tạo đạt tới 1 ngưỡng tiến hóa nào đó thì đó cũng là thời điểm loài người bị tận diệt. Rất nhiều các bộ phim đã khai thác đề tài này với nhiều góc nhìn, nhưng qua đó đều muốn cảnh báo loài người về mối nguy đặc biệt này.
(Danh sách các trợ lý ảo hiện nay-so sánh các trợ lý ảo là gì-vạn vật kết nối là gì,internet of thing là gì,trí tuệ nhân tạo là gì,AI là gì)
Trợ Lý Ảo
1 trong các ứng dụng của AI gần đây nổi lên nhất đó là Trợ lý ảo (virtual assistant). Có thể hiểu đơn giản trợ lý ảo là phần mềm, công cụ được xây dựng dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) và được các nhà phát triển hệ điều hành, hay các hãng công nghệ tích hợp sâu vào trong hệ điều hành với mục đích chính là hỗ trợ người dùng thiết bị dễ dàng hơn bằng chính thói quen mà người dùng thường làm trên thiết bị.
Công cụ đầu tiên có khả năng nhận diện giọng nói kỹ thuật số là IBM Shoebox, được trình diễn trước công chúng trong Hội chợ Thế giới Seattle 1962 sau khi được bán ra năm 1961. Có thể nói, trợ lý ảo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ qua và không còn quá xa lạ đối với người dùng. Khoảng năm 1997, Clippy – trợ lý Microsoft Word đã mang tới cho chúng ta khá nhiều điều thú vị. Các chức năng tiêu biểu của trợ lý ảo:
- Khả năng nhận diện giọng nói: những trợ lý ảo ngày nay có thể nhận diện giọng nói rất chính xác, từ đó cho phép người dùng có thể tương tác với máy tính bằng giọng nói rất dễ dàng mà không cần chạm tay vào máy. Ví dụ, trợ lý ảo Siri của Apple sẽ bắt đầu khởi chạy ngay khi bạn nói “Hey Siri” thay vì phải nhấn giữ nút Home trên iPhone
- Khả năng xử lý ngôn ngữ mạnh mẽ: trợ lý ảo còn có thể xử lý ngôn ngữ và đưa ra những câu trả lời phản hồi người dùng, tạo nên sự tương tác giữa người dùng và thiết bị giống hệt cuộc nói chuyện giữa người với người.
- Sức mạnh tìm kiếm: Ngay khi đặt câu hỏi nền tảng tìm kiếm của các trợ lý ảo là gì, bạn sẽ phải tỏ ra bất ngờ khi “đứng sau” trợ giúp cho tính năng tìm kiếm của các trợ lý ảo chính là những công cụ đình đám như Bing, Google Search, thư viện bách khoa toàn thư Wikipedia hay Wolfram Alpha. Với những kho dữ liệu khổng lồ như vậy, rõ ràng những trợ lý ảo sẽ có khả năng tìm kiếm cực kỳ mạnh mẽ cả về tốc độ lẫn sự chính xác trong kết quả tìm kiếm.
- Khả năng “học” từ người dùng: Khả năng “học” từ thói quen sử dụng của người dùng được xem như ưu điểm cốt lõi của các trợ lý ảo. Như chúng ta đã biết, các trợ lý ảo được phát triển dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), do đó trợ lý ảo hoàn toàn có thể thu thập dữ liệu từ các thói quen sử dụng, tìm kiếm dữ liệu của người dùng và đưa ra những gợi ý chính xác nhất. Như vậy, theo thời gian và lượng dữ liệu có được từ các hoạt động sử dụng máy của người dùng, các trợ lý ảo sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn, có thể tự thay người dùng thực hiện một số công việc.
- Khả năng liên kết thông tin từ nhiều nơi: ví dụ Những thông tin được liên kết có thể ví dụ như lịch trình bay của bạn trong email sẽ được ghi chú trong ứng dụng Calendar (Lịch), cùng lúc là ghi chú trong ứng dụng báo thức để nhắc nhở bạn khi sắp bay. Như vậy, thay vì phải ghi nhớ và nhập thông tin trong từng ứng dụng, nay trợ lý ảo đã tự động làm hết những điều này cho bạn.
- Một số tính năng cơ bản khác như: Gọi điện và SMS, Dự báo thời tiết, Chơi nhạc…
(Danh sách các trợ lý ảo hiện nay-so sánh các trợ lý ảo là gì-vạn vật kết nối là gì,internet of thing là gì,trí tuệ nhân tạo là gì,AI là gì)
Các trợ lý ảo tiêu biểu
Rất nhiều hãng công nghệ tung ra các trợ lý của riêng mình, ứng dụng trong rất nhiều các sản phẩm như Tivi, tủ lạnh,máy giặt…nhưng phổ biến nhất có thể kể đến Ô tô tự hành, nhà thông minh và “gần gũi” nhất với độc giả có lẽ là Hệ điều hành trong máy tính Pc và điện thoại thông minh (smartphone). Vì vậy, sau đây xin liệt kê 1 số trợ lý ảo nổi bật:
Siri của iPhone (ios)
Siri là một “cô trợ lý ảo” được Apple tích hợp sẵn trên các thiết bị của mình giúp người dùng có thể điều khiển thiết bị thông qua giọng nói. Người sử dụng có thể tương tác với iPhone mà không cần chạm vào màn hình, thay vào đó, chỉ cần nói và Siri sẽ trả lời, hoặc ra lệnh để Siri thực hiện.
Google Now của Android/Google Assistant
Tính đến hiện tại, Google Now và Google Assistant vẫn là hai công cụ riêng biệt. Trong đó, Google Now là thành phần được tích hợp vào ứng dụng tìm kiếm Google Search và các ứng dụng của Google trên iOS và Android. Còn Google Assistant tích hợp trong Google Allo – ứng dụng chat mới của Google, cũng như 2 chiếc smartphone mới ra mắt của hãng là Google Pixel và Pixel XL. Tuy vậy, giới công nghệ dư đoán trong tương lai cả hai “trợ lý ảo” này sẽ ‘hợp thể’ làm một.
Với Google Now, việc tìm kiếm các thông tin trên Internet giờ đây trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn mà bạn không cần phải chạm đến thiết bị, tương tự như hai “đồng môn” là Siri và Cortana. Chỉ bằng khẩu lệnh “OK Google’ khi thiết bị của bạn đang ở màn hình khóa, bạn có thể tìm kiếm mọi thông tin trên Internet, đặt báo thức, khởi động Facebook, v.v. và rất nhiều tác vụ khác. Đặc biệt hơn, Google Now có hỗ trợ tiếng Việt.
Về cơ bản, Google Assistant là thế hệ tiếp theo của Google Now. Tức “trợ lý ảo” mới này có mọi thứ mà Google Now có và được trang bị nhiều tính năng hấp dẫn hơn, giao diện sử dụng thân thiện hơn.
Đang là phiên bản Preview Edition, “trợ lý ảo” Google Assistant hiện tại được tích hợp sẵn vào ứng dụng chat Google Allo và trên hai chiếc smartphone Google Pixel và Pixel XL và trên loa thông minh Google Home. Về tính năng, Google Assistant vẫn giúp bạn tìm kiếm mọi thông tin trên web, đặt lịch sự kiện, lập kế hoạch và báo thức, tùy chỉnh các thiết lập cài đặt trên thiết bị tương tự như Google Now. Tuy nhiên, nếu như Google Now chỉ đơn giản đưa ra những kết quả tìm kiếm khi ra lệnh thì Google Assistant sẽ mang đến những gợi ý và những kết quả chi tiết và gần gũi với thói quen của người dùng hơn một cách thông minh.
Alexa của Amazon
Mới có, chưa hiểu lắm
Cortana của Windows Phone 8.1 (điện thoại)/Windows 10 (máy tính)
Cortana là trợ lý ảo dành cho hệ điều hành Windows được phát triển bởi nhóm các kĩ sư Windows Phone và Bing dưới sự dẫn dắt của Michael Calcagno. Cortana được đặt theo tên một nhân vật trong game Halo – một tựa game bom tấn do chính Microsoft phát hành.
Trợ lý ảo Cortana có thể giúp bạn tìm kiếm, xem thời tiết, xem tình hình giao thông, mở nhạc… bằng cách ra lệnh bằng giọng nói. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Cortana mới chỉ hỗ trợ các ngôn ngữ sau (chưa có tiếng Việt): tiếng Anh (Anh-Mỹ), tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Về cơ bản, Bing chính là nền tảng bao gồm mọi mảnh ghép của Cortana, ví dụ như nhận dạng giọng nói và khả năng suy luận. Nó không đơn giản chỉ là nhận câu hỏi và đưa ra câu trả lời, Cortana có một một mạng lưới thần kinh (DNNs) mô hình hoá dựa trên não người để xử lý thông tin, các âm thanh được chuyển thành dạng các bit dữ liệu và chuyển đến cho hệ thống này xử lí. Khả năng thông minh của Cortana ngày càng được hoàn thiện từ những thành phần cơ bản như thói quen tìm kiếm, mức độ xử lí các công việc trên Internet … và cả các thói quen sử dụng smartphone hằng ngày.
Cortana có thể làm việc độc lập mà không cần kết nối mạng, nhưng Mircrosoft khuyên người dùng nên kết nối 3G hay Wifi để sử dụng hết các tính năng của nó.
Bixby của Samsung
Bixby chính là trợ lý ảo mới của Samsung và do chính Samsung phát triển. Cũng như các trợ lý ảo khác trên thị trường như Siri của Apple, hay Cortana của Microsoft, trợ lý ảo Bixby Samsung cũng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và được tích hợp sẵn vào hệ điều hành, học hỏi thói quen sử dụng và giúp nâng cao trải nghiệm thiết bị của người dùng hơn.Trợ lý ảo này chỉ mới xuất hiện trong sự kiện ra mắt bộ đôi siêu phẩm Samsung Galaxy S8 và Galaxy S8+.
Samsung cho biết Bixby sẽ vượt trội hơn so với những AI khác hiện nay bởi trợ lí ảo này sẽ có khả năng hoàn tất hầu như mọi tác vụ mà ứng dụng thông thường hỗ trợ. Bixby sẽ được tích hợp sâu vào bên trong các ứng dụng, hỗ trợ hầu hết các tác vụ mà một ứng dụng có thể thực hiện chứ không chỉ là một vài tác vụ được chọn.Hãng cũng cho biết thêm rằng Bixby sẽ đủ thông minh để hiểu cả các lệnh có thông tin không đầy đủ và thực hiện nhiệm vụ theo sự hiểu biết tốt nhất của nó. Ngoài ra, nó sẽ nhắc nhở người dùng cung cấp thêm thông tin khi cần thiết.
Trợ lý ảo M của Facebook
Trợ lý ảo của Facebook sẽ được tích hợp trong ứng dụng nhắn tin Messenger và bạn chỉ có thể giao tiếp với cô nàng này qua tin nhắn trong khi hầu hết các trợ lý ảo khác đều có khả năng nhận lệnh bằng giọng nói.
Khác với những trợ lý ảo như Siri hay Cortana, M có khả năng đưa ra các gợi ý hỗ trợ dựa theo ngữ cảnh nội dung tin nhắn của chúng ta. Theo Cnet, M có thể đưa ra các lựa chọn về thanh toán, chia sẻ vị trí, tự động tạo cuộc bình chọn (chat nhóm), gợi ý nhãn dán, thậm chí là gọi xe Uber dựa trên nội dung, chủ đề tin nhắn: vui vẻ, buồn bã, mua sắm, tiền bạc, hỏi địa điểm hay có nhiều lựa chọn cần biểu quyết.
Update 19/1/2018:
Sau hơn 2 năm rưỡi phát triển, trợ lý ảo Facebook M dự kiến sẽ được cho “nghỉ hưu non” từ ngày 19/1 tới và nhường chỗ cho phiên bản rút gọn M Suggestion thay thế.Facebook đã bắt đầu thử nghiệm M Suggestions từ tháng 12/2016. Theo The Verge, trợ lý AI mới sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả từ Facebook M với khả năng cung cấp các đề xuất tự động phục vụ thanh toán, lập kế hoạch hay gửi sticker thông qua Messenger.
Thay vì áp dụng một trải nghiệm cho tất cả mọi người, M Suggestions sẽ tập trung tìm hiểu thói quen của từng người dùng. Nếu bạn thường xuyên bỏ qua các gợi ý của M Suggestions, trợ lý sẽ ít xuất hiện hơn. Hoặc nếu không dùng tính năng thanh toán mà chỉ hay sử dụng sticker, M Suggestions sẽ chỉ tập trung gợi ý cho bạn các bộ sticker.
Trợ lý ảo cho người Việt – VAV
Các “trợ lý ảo” trên smartphone như Siri và Google Now đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên rất ít người dùng Việt Nam sử dụng những “trợ lý ảo” này do chúng không tối ưu cho người Việt và không nhận diện chuẩn xác ngôn ngữ tiếng Việt.Trước thực tế này, nhóm tác giả MDN-Team (thuộc Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Khoa CNTT, Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội) đã phát triển một ứng dụng “trợ lý ảo” dành riêng cho người Việt, với tên gọi VAV.
Ứng dụng tương tác với người dùng thông qua giọng nói tương tự như Siri, Cortana hay Google Now. Mục đích của ứng dụng là giúp mọi người có thể sử dụng điện thoại của mình một cách hiệu quả nhất. Hiện các thao tác sau đã được hỗ trợ: định vị địa chỉ, địa danh trên bản đồ, tìm đường đi, duyệt web, mở một website bất kì, tra cứu thời tiết, có cả đặt chuông báo thức, nhắc nhở hoặc tạo sự kiện lịch nữa.
Được thiết kế và phát triển dựa trên các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (học máy, phân tích và hiểu ngôn ngữ tự nhiên), VAV có thể hiểu được ý định của bạn dù bạn diễn đạt câu lệnh của mình theo nhiều cách khác nhau mà không cần tuân theo bất kỳ khuôn mẫu nào cho trước. Những gì VAV hướng tới là trở thành một trợ lý ảo thông minh giúp bạn thực hiện những điều mình muốn và là một người đồng hành thân thiện, dí dỏm bên bạn.
(Danh sách các trợ lý ảo hiện nay-so sánh các trợ lý ảo là gì-vạn vật kết nối là gì,internet of thing là gì,trí tuệ nhân tạo là gì,AI là gì)
Cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.Tuy nhiên, trên thực tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.