“Chưa đi Hà Giang thì đừng gọi mình là Phượt thủ”
Các phượt thủ đã có mặt tại cộc mốc số 0 :))
Trải nghiệm hai ngày leo đèo, đổ đèo ở Hà Giang quả thật là kỉ niệm vô cùng đáng nhớ với bất kì ai đam mê xê dịch.
Phải suy nghĩ rất lâu mình mới quyết định là sẽ đi Hà Giang dịp cuối năm, tháng 11 mùa tam giác mạch. Không phải vì ngại khó mà chỉ sợ các cụ biết Hà Giang thế nào mà không cho đi, nhưng may quá phụ thân chỉ biết đến thành phố Hà Giang chứ không biết mấy huyện cách nhau cả trăm km, thế là “Con đi Hà Giang với mấy đồng nghiệp trong công ty”.
Hà Giang là nơi bạn không thể “đi hết trong 1 lần”. Nguyên nhân đầu tiên là thời gian, các thanh niên dân văn phòng thì chỉ xin nghỉ tầm 2-3 ngày là vừa vặn rồi, thường là sẽ tận dụng đi tối thứ 5, xin nghỉ thứ 6 thứ 7, đêm chủ nhật về, vậy là có trọn vẹn 3 ngày, sang thứ 2 về sớm đi làm bình thường. Tiếp theo là các điểm Check ở Hà Giang quá xa nhau, thường cách tầm 20-30-40km nên cả đi cả về một ngày có thể cả 100km, việc cân nhắc đi đâu là rất quan trọng. Tiếp nữa là các huyện ở nơi đây mỗi cái lại có đặc thù hay riêng nên tốt nhất là nên tập trung đi một cung để cảm nhận hết nó, rồi hẹn cung khác vào dịp sau. Sau nhiều cân đo đong đếm thì quyết định đi cung đại trà là Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc – Hà Giang.
Lâu không đi đâu, giờ việc di chuyển thấy đỡ cực hơn trước, các loại xe limosin đi với tốc độ bàn thờ, các xe cung đình mang giường của bạn lên xe ô tô nên nhóm 4 người quyết định thuê 2 cabin đôi vi vu. Mình dân Hà nội ít va chạm với việc tàu xe nên khá bất ngờ khi tối hôm đó ra bến Mỹ đình, mấy ông chú không giành giật nhau mà khá “ân cần” : con đi xe của nhà xe nào, số điện thoại tài xế đâu. Mình show ra thì ông chú chỉ cho rất cẩn thận đi vào bến, cũng có thể ở đây người ta cũng hiểu là khách nào của xe nào rồi, có tranh cũng không được, hoặc là do mặt mình ngây thơ vô số tội, hehe.
Mất ngủ nhưng đã đến nơi an toàn nên ai cũng vui.hehe
Xe rời bến lúc 21h30, theo kế hoạch là tầm 5-6h sáng sẽ đến Hà Giang, cả team yên tâm sẽ có một đêm ngon giấc nhưng mà không ngon lắm :v . Đường thì xóc, xe thì kêu, ngủ chập chờn đến…4h sáng thì đến nơi 😮 . Hơi bất ngờ nhưng đã có chuẩn bị nên Hà Giang Hostel đã sắp xếp cho Dom để tạm nghỉ cho đến sáng nhận xe máy.
Sáng ngày hôm sau, theo kế hoạch là cả nhóm sẽ xuất phát lúc 8h tại Hà Giang sau khi Check cột mốc số 0 và dự kiến buổi trưa sẽ có mặt tại thị trấn Yến Minh nhưng 10h đang…ngồi café :v .Thôi quan điểm đi chơi là phải thư thả, không vội, thế là buổi trưa mới đến được cổng trời Quản bạ ngắm núi đôi :)).
Người ta thường nói cuộc đời là chuyến đi chứ không phải đích đến, Hà Giang cũng vậy. Cái hay của Hà Giang là cảnh đẹp trên những cung đường chứ không phải là cố gắng đi thật nhanh để đến được nơi nghỉ ngơi. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng những con dốc, những lần đổ đèo không khiến mình choáng váng. Mình không sợ độ khó của nó, mà chỉ sợ…đứt phanh. Nhiều người bảo là cứ thả dốc và gần đến cua thì mới rà phanh nhưng sợ là khi tốc độ đang cao mà phanh nó trục trặc thì đúng là đi gặp ông bà. Các con dốc tuy không quá nghiêng nhưng nó lại dài, thế là dồn toa, dồn tay, gồng cơ đít thít cơ mông vượt qua thử thách. Đổ lại với những gian khổ này là khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, có lẽ Hà Giang là vùng du lịch nổi tiếng duy nhất mà không bị thương mại hóa. Cứ nhìn sang Sapa, Tam Đảo mà lắc đầu ngao ngán, lại càng thấy trân trọng từng phút giây tại Hà Giang hơn.
Hà Giang là nơi duy nhất…không thể thương mại hóa
Vì xuất phát muộn rồi mà “ngày tháng mười chưa cười đã tối” nên ngay ngày đầu tiên trải nghiệm luôn cảnh đi đèo buổi tối. Nghĩ lại lúc này cực kì may mắn khi mà phút cuối cùng chuẩn bị hành lý nhớ ra và cho vào Balo 1 kính bảo hộ che mắt đi ngày và 1 kính cận đi tối :)) .Lúc này cảm giác sợ hãi nhất là…sợ hết xăng, mà thật ra cảm giác này nó có suốt hành trình vì đi mấy chục Km mà không thấy cây xăng nào cả. Đọc nhiều kinh nghiệm trên mạng bảo là cân đối cung đường mua xăng đủ thôi để đến lúc giả xe vừa vặn hết xăng. Nhưng thôi, mất thêm mấy chục đổi lại sự yên tâm thì quá xứng đáng, mình còn trẻ mà xăng lại rẻ (Hà nội thì không).
4-5h chiều mà trời đã tối nên 7h đặt chân đến cổng chào “Đồng Văn kính chào quý khách” mà ngỡ như nửa đêm :)). Căn bản khu homestay này cách trung tâm 1km nên cũng không đông lắm, cả team nhận phòng tắm rửa và bước vào bữa lẩu gà đen ngon nhất từ trước đến nay do chủ nhà chuẩn bị 😀 . Định ăn xong ra phố cổ chơi nhưng mà hơi tây tây rồi mà đi cả ngày khá mệt nên giao lưu nhảy sạp, đốt lửa trại và karaoke với các khách khác đến 12h khép lại ngày đầu xuôi đuôi sẽ lọt.
Ngày thứ 2 đi Cột cờ lũng cú, điểm check mà nhiều người nhầm là cực bắc nhưng không phải, nó chỉ là một điểm đánh dấu chủ quyền mà được tiếp cận, đi xa nữa thì các chú bộ đội lại hỏi thăm. Từ thị trấn Đồng Văn đi Lũng cú vẫn là những giây phút cảm nhận thiên nhiên núi rừng cực kỳ mãn nhãn, và điều tuyệt vời nhất là thời tiết ủng hộ tuyệt đối. Trời không quá lạnh và lại có nắng nên mọi giác quan được thỏa sức cảm nhận. Trong khi bản thân đi khá cẩn thận thì các phịch thủ toàn hết ga hết số, tuổi trẻ đúng là cháy hết mình với đam mê, còn U30 như mình thì về hưu là đúng rồi. Đúng như dự đoán thì cột cờ đông hơn trẩy hội, nhìn từ xa như kiểu đàn kiến đang bu vào mồi nên khó có được một bức ảnh thoải mái tại đây. Điều nên làm nhất chỗ này là leo lên trên đỉnh cột cờ và cảm nhận lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió lộng, để thêm tự hào về quê hương đất nước.
Không chú thích thì không ai biết đây là cột cờ Lũng Cú :))
Trẻ con ở Hà Giang rất ngoan. Không như Sapa chèo kéo khách mua hàng, không mua thì bám như đỉa không dời, âu cũng là người lớn dậy như thế. Ở Hà giang trẻ con đi đường thấy xe đi ngược chiều đều cười và vẫy tay chào, chắc bố mẹ dậy như thế. Hay như chỗ Dốc thẩm mã, địa điểm checkin huyền thoại với rất nhiều các bé địu hoa cho du khách chụp ảnh cũng không thu phí, không bán hàng, có lẽ họ muốn tạo một nét văn hóa riêng của Hà Giang. Một số địa điểm check khác như Dinh Vua mèo, phim trường nhà của PAO, cây cô đơn, thấy cũng bình thường không đặc sắc lắm nhưng đã đến đây thì nên check. Ảnh ở dưới này là giao điểm, nếu đi lên trên bên phải một đoạn ngắn sẽ gặp cây cô đơn, nếu đi thẳng thì sẽ đến rừng thông Yên Minh thêm tận 20km. Team đã khởi hành rất muộn rồi nên quyết định chọn đường ngắn, còn nếu dư dả thậm chí là đi lên check cây cô đơn xong lại quay lại đi rừng thông vẫn được.
Đi rừng thông xa hơn tận 20km so với đi cây Cô đơn 🙁
Buổi tối ngày thứ 2 đã thoải mái để đi phố cổ Đồng Văn, và sai lầm tuổi trẻ là tưởng nơi này không lạnh hơn Hà Nội lắm ai ngờ rét cắt ruột. Thành ra là toàn mang áo cộc quần tụt, có đúng một áo gió và một quần bò thế là diễn cả 3 ngày :(( .Gọi là phố cổ nhưng thấy cũng không cổ lắm, gọi là chợ đêm thì thấy sát hơn, nơi đây bầy bán khá nhiều đồ ăn đặc trưng của Hà Giang – Đồng văn. Hôm này mình đi đúng dịp có buổi giao lưu văn hóa giữa các xã nên có tí ca nhạc, nếu không thì cũng không biết chỗ này còn gì vui không ngoài việc đi bộ loanh quanh và ăn vặt. Hoặc có thể, người ta chỉ đơn giản là lên đây, ngồi café, trà mạn, nhìn ngắm người đi qua lại là đủ rồi. Nhân dịp này thưởng thức một số đồ ăn như thắng cố (nội tạng, ruột ngựa), bánh tam giác mạch (ăn khô họng lắm), thắng dền (ăn như kiểu bánh trôi tàu)…và thấy không món nào ngon cả hic . Trời lạnh buổi tối chắc ở đâu cũng thế, làm nồi lẩu xì xụp là tuyệt vời nhất.
Dốc Thẩm Mã huyền thoại
Nếu ai đó hỏi ở Việt Nam có cái gì miễn phí không? Thì câu trả lời là gửi xe tại Hà Giang. Chính xác là Hà Giang không có bãi gửi xe, vì đi xe cứ để gọn vào không cần khóa, không ai lấy đâu. Không biết là do các xe đã được “đóng dấu bản quyền” của từng nhà xe, từng chủ, hay là do địa hình đây quá xa nhau, hay là do không ai tiêu thụ xe ăn cắp, hay là…hay là người dân ở đây thật thà như vậy, thói ăn cắp ăn trộm là người KINH dậy cho người dân tộc, chứ họ vốn không có khái niệm đó.
Buổi sáng ngày cuối cùng, là ngày Chủ nhật – cũng là ngày duy nhất có phiên chợ họp vùng cao. Mọi người vào chợ ăn sáng và thử món Mèn mén, ăn xong cũng mén mèn luôn vì nó như kiểu ăn bột gạo vậy, khô không nuốt nổi nhưng dân ở đây ăn như kiểu ăn cơm. Chợ có các sạp hàng xếp ngăn nắp nhưng đúng với tính chất hợp chợ dân tộc, một số nhóm người đứng họp không theo nề nếp gì và trao đổi tiếng Mông khiến các thanh niên người Kinh chả hiểu gì :v . Đúng như mình suy nghĩ thì các nhóm người khác mang trực tiếp vật nuôi đi bán như chó, lợn, bò…Những con vật này kiểu đã sống quen với chủ cũ giờ bị bán đi kêu hơn bị mổ, nghĩ cũng tội mà thôi cũng kệ =))
Lịch trình ban đầu lại bị ảnh hưởng khi dự kiến là sẽ trở về theo đường Mèo Vạc nhưng ông chủ homestay bảo là đường đi Mèo Vạc đang sửa khó đi lắm, tốt nhất quay lai đường Đồng Văn cho yên tâm. Ở đây cần chia sẻ kinh nghiệm luôn, kế hoạch đi Hà giang nên là…chả có kế hoạch gì cả, vì mọi thứ bạn nghĩ sẽ đều khác , hãy để tâm hồn hòa cùng với cao nguyên đá :)) .
Lập kế hoạch Timeline để làm gì khi mà nó lệch hết :((
Rời phiên chợ sớm, team tiến tới “cung đường hạnh phúc” mà người ta nói rằng nếu chưa đi thì coi như chưa tới Hà Giang, đèo Mã Pí Lèng . Không hổ danh là tứ đại đỉnh đèo, nó không chỉ đẹp vượt trội so với đường đi đến Đồng Văn, mà nó còn khiến lái xe suýt mấy lần đâm vào đá vì mải ngước mắt sang nhìn :3 . Cung đường quanh co nắng vàng, những dãy núi trùng trùng điệp điệp, không gian hùng vĩ khiến con người cảm thấy thực sự nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên. Tầm giữa giữa cung này là quán café Mã Pí Lèng Panorama, nơi ngắm trọn vẹn sông Nho Quế. Mã Pí Lèng Panorama để lại sứ tiếc nuối khi mục đích trước đó là homestay lưng chừng núi, sớm thức dậy ở một nơi xa nhưng cuối cùng không được cấp phép, giờ thành điểm check không thể thiếu để lưu lại những bức ảnh đẹp. Ngắm trên cao chưa đã, bạn có thể đi xuống bến sông để thuyền chở đến Hẻm Tu Sản để có những bức ảnh khoe lưng khoe mông ảo như trên mạng =)). Đáng tiếc là với cái team hẹn 8h đi ăn sáng mà 10h mới ngủ dậy thì đành hẹn Sông Nho Quế vào dịp sau.
Lần thứ hai vượt đèo vào buổi tối về Hà Giang. Người ta thường nói chiều về sẽ nhanh hơn vì đã “quen đường” nhưng không, có lẽ đã thấm mệt sau 2 ngày, ngày nào cũng đi tầm 150km. Tâm trạng lo lắng đã lấn át đi sự háo hức ban đầu, lúc này không có ngắm cảnh gì nữa mà cần nhanh nhanh chóng chóng vượt đèo để kịp chuyến xe về Hà Nội lúc 9h tối. Giờ viết những dòng này nghĩ lại vẫn thấy bồi hồi, đi đường đèo buổi tối vừa khó, vừa lạnh, vừa sợ đứt phanh, sợ hết xăng, sợ tai nạn, sợ đủ thứ, nếu đi một mình chắc tâm lý phải vững lắm, may mà có đồng đội ngồi đằng sau trò truyện nên vững tâm hơn. Chưa kể trước khi đi còn bổ sung thêm thông tin bằng cả tá câu chuyện ma kinh dị trên các đường đèo 🙁 .
Đi Đèo buổi tối là 1 trải nghiệm đáng quên 🙁
Về Hà Giang là 19h30, nhận phòng tính theo giờ để tắm rửa trước khi ăn bữa tối cuối cùng tạm biệt Hà Giang. Mọi việc đến thời điểm này ổn rồi nhỉ? Đuôi sắp lọt rồi nhưng kịch tính vẫn cứ là ở phút cuối. Gọi cho nhà xe, gọi cho tài xế yên tâm là 9h đón và ngay ngắn ngồi chờ tại Khách sạn. 9h15, 9h30 không thấy đâu, sốt ruột gọi lại thì:
- Ơ em ở đâu nhỉ? Xe làm gì còn chỗ 😮
- không còn là sao a :0 . lúc tối e gọi anh còn hẹn 9h đón mà giờ bảo không còn chỗ ???
Tức tốc gọi cho tổng đài phản ánh, bên điều hành bảo sẽ check và gọi lại sau 5 phút. 5 phút này chắc hẳn dài hơn 5 năm :(( , suy nghĩ cả team phải ở lại Hà giang đêm nay luôn hiện hữu. Đương nhiên về thì trước sau cũng về thôi chỉ là cảm giác “bị bỏ rơi” hụt hẫng vô cùng. Một lúc sau thấy số tài xế gọi đến:
- E ở địa chỉ …này đúng không, chờ chút anh quay lại đón.
Vãi thật, hẳn là quay lại đón, thế đúng là bị bỏ quên thật. Không hiểu điều hành như nào, xe thì có 20-30 khách thôi chả lẽ không điểm danh check khách 🙁 .Nhưng thôi nghĩ vậy chả dám phàn nàn, nó tức nó cho ở lại thật, về được Hà Nội đã rồi tính sau, haha. Sau cùng, một ngày tâm trạng hỗn loạn với nhiều cung bậc cảm xúc khép lại với một giấc ngủ ngon trên xe vì đã thấm mệt, 29 Hà Nội chào Hà Giang nhé.